Trong bài viết này, Wiki Cây Cảnh chia sẻ cùng bạn “8 thế núi cơ bản khi chế tác non bộ“. Cũng như tìm hiểu xem đặc điểm của từng thế núi. Để từ đó tạo ra những tác phẩm non bộ thật độc đáo. Mời mọi người cùng tham khảo nhé !
1. Thế núi độc phong (Ngọn độc phong)
Còn gọi là Cô phong, hay Nhất sơn, là ngọn núi riêng lẻ, đứng đơn độc một mình. Nhưng thế núi rất như đủ sức “trơ gan cùng thế nguyệt”. Bất chấp mọi phong ba bão táp của cuộc đời. Đây là hiện thân của người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, không hề biết kiêng sợ một ai…
Khi chế tác ngọn độc phong, ta phải tạo cho được cái thế hùng vĩ của núi:
Như đỉnh núi (Điên) phải ngạo nghễ vươn cao Vách núi (Nhai) dựng đứng để tạo thế hiểm trở; rồi phối hợp với những dốc (Pha)Những triền (Cương), những hang động (Cốc) để tạo nên vẻ kỳ bí.
Về phần chân núi ngọn Độc phong có thể có nhiều kiểu cách khác nhau. Như tạo những gộp đá lớn chung quanh chân núi để tạo thế vững chắc. Giống như cây cổ thụ cần có bộ rễ sần sùi bò ngoằn nghèo trên mặt đất tỏa ra bốn hướng.
Để tạo được thế đứng vững chắc cho cây. Cũng có thể tạo phần chân núi co thắt lại. Và trên bề mặt đặt núi nên “xếp” những gộp đá lớn nhỏ. Kết hợp với những đường đèo ngoạn mục, những khe sâu bí hiểm.
Ngọn Độc phong có thể chiếm vị trí ở giữa hoặc nằm chếch về một phía bể cạn đều nổi bật cả.
2. Thế núi song phong
Còn gọi là Nhị sơn, gồm hai ngọn núi một cao một thấp. Tuy nhiên, thực tế ít có hai ngọn song phong ngang bằng nhau. Một lớn một nhỏ, nằm cận kề nhau như cần nương tựa lẫn nhau. Cả núi chủ (núi lớn) và núi khách (núi nhỏ thường nằm ngang hàng nhau).
Nếu cả hai ngọn núi đó đều chọc thẳng lên trời thì có giên tên là Song phong. Nhưng nếu ngọn núi cao (chủ) nghiêng hay phủ chụp lên đầu ngọn núi nhỏ (khách) thì tùy đó mà đặt tên là Phu thê hay Phụ tử…
Khi chế tác non bộ thế Song phong bạn cần lưu ý:
Cả hai ngọn núi chủ (lớn) và núi khách (nhỏ) phải đặt trên cùng một chân núi. Giống như cây kiểng cổ cùng gốc mà nảy ra hai thân.
- Nếu ngọn núi chủ và núi khách có đỉnh nhọn như nhau thì nó mang tên là “Huynh đệ”.
- Nếu ngọn núi chủ có đỉnh nhọn hơi ngã lên ngọn núi khách (cũng có đỉnh nhọn) thì núi đó gọi là “Phu thể”. Vì hai vợ chồng có tuổi tác không quá chênh lệch nhau.
- Ngược lại, nếu ngọn núi chỉ có đỉnh tà (biểu hiện sự già lão) mà ngã qua ngọn núi khách có đỉnh nhọn (trẻ) thì nó mang tên là “Phụ Tử” hoặc “Mẫu Tử”.
Ngọn Song phong có vị trí đắc địa nhất trong chậu hay bể cạn là đặt vào khoảng giữa. Đây là thế núi được nhiều nghệ nhân làm non bộ thường chế tác phổ biến xưa nay. Và cũng được đại đa số giới thưởng ngoạn ưa chuộng…
3. Thế đa phong
Còn gọi là Trường Sơn, là một dãy núi gồm từ ba ngọn núi trở lên. Những ngọn núi cùng dãy này lớn nhỏ khác nhau, cao thấp khác nhau. Có thể nhiều ngọn nằm gần nhau hoặc các ngọn xa cách nhau với khoảng cách không nhất định.
Một vài lưu ý Khi chế tác ngọn Đa phong:
Tùy vào diện tích của bể cạn lớn nhỏ, rộng hẹp ra sao mà ta tạo núi nhỏ hay lớn. Nhiều ngọn hay ít ngọn (tối thiểu ba ngọn).
Các ngọn núi cao thấp xen kẽ nhau, tuy vậy, trong tất cả các ngọn núi đó cũng phải có một ngọn núi chủ (lớn nhất). Và các ngọn còn lại vì là núi khách nên dáng thấp hơn và nhỏ hơn.
Núi Đa phong có thể dàn thành hàng ngang, hay hình vòng cung, hoặc ở thế uốn lượn… Miễn sao được đa số người thưởng ngoạn chấp nhận là được.
Nếu chế tác non bộ thế ngọn Đa phong theo hình vòng cung. Thì phía trước nên điểm xuyết thêm một vài cù lao nhỏ để vừa đỡ trống trải, vừa làm vui mắt người xem…
Ngoài những thế núi vừa được trình bày ở trên, ta còn bắt gặp nhiều loại hình núi non đa dạng khác như:
4. Thế kỳ phong
Núi đứng riêng lẻ một mình cách xa những núi khác, nhưng dáng núi to vách núi cao dựng đứng. Với sườn núi đổ dốc hiểm trở. Và những gộp đá chồng chất lên nhau cạnh những khe sâu, hang động lớn, tạo nên sự hiểm trở và kỳ bí…
5. Thế cương lĩnh
Một dãy núi có chiều cao tương đối thấp, các ngọn đều bằng (tà) do sự đào thải khắc nghiệt của thời gian (núi già), nhưng lại tạo được vẻ đẹp hiền hòa do có nhiều cảnh trí đẹp như có nhiều khe động với những nét vân đá nứt nẻ, sần sùi.
6. Thế kỳ nham
Thế núi có thể độc phong, Song phong hay Đa phong. Có thể lớn hay nhỏ nhưng có đặc điểm là mang những hình thù khác lạ so với những núi khác. Ví dụ như hình người, hình thú hoặc một hình tượng quái dị nào khác. Như tại nước ta có núi Mẹ bồng con, núi Voi phục…
Khi thu gom các chất liệu đá để chế tác Non bộ thỉnh thoảng các nghệ nhân cũng bắt gặp những tảng đá mang những hình thù quái dị quí giá này. Và nếu khéo léo đặt vào vị trí thích hợp nào đó, hòn Non bộ sẽ tăng giá trị thẩm mỹ hơn lên.
7. Thế lập chương
Đây là thế núi được coi là hùng vĩ nhất, kỳ vĩ nhất so với tất cả các kiểu dáng núi khác. Núi đã cao mà sườn núi lại quá dốc, vách núi dựng đứng như một bức tường thành cao vời vợi. Có thể trơn láng, mà cũng có thể nổi lên hàng trăm hàng ngàn mõm đá dựng lởm chởm như gươm đao sắc lẻm… Loại vách núi vô cùng hiểm trở này gọi là “huyền nhai” hay “tiêu bích”.
Thường thì chỉ có những hòn Non bộ lớn ta mới dễ dàng thể hiện được những đường nét hùng vĩ này sắc sảo được.
8. Thế núi tầng loan
Nhiều ngọn núi nhỏ quần tụ bên nhau thành một nhóm núi, tầng tầng lớp lớn theo kiểu “thạch lâm”. Chế tác Non bộ theo thế núi này cũng tạo được sức hấp dẫn. Nếu tạo được nhiều đường mòn (tiểu kính) khúc khuỷu quanh co lại càng hay. Nhất là tạo được những khoảnh đất bằng phẳng để đặt vào đó một vài chùa, tháp hoặc nhà… cũng tạo được nét hấp dẫn… Vì nếu cứ để cho núi tiếp núi, e sẽ làm rối mắt người xem.
Dáng thế của núi non, như phần trên đã nói, quả là thiên hình vạn trạng: lớn có, nhỏ có, hùng vĩ có mà bình dị cũng nhiều. Thế nhưng, với núi được thu nhỏ đặt trong bể cạn (giả sơn) phải làm sao đạt cho được những kiểu dáng dễ nhìn, được đại đa số người thưởng ngoạn chấp nhận, như vậy mới gọi là thành công. Trên đây là 8 thế núi cơ bản khi chế tác non nộ. Nội dung được Wiki Cây Cảnh tổng hợp và biên soạn. Hi vong qua bài viết này, bạn sẽ chọn được một thế núi đẹp để tự mình chế tác non bộ nhé !